Tiệm bánh mochi hơn ngàn năm ở Nhật Bản; cách nó tồn tại 1020 tuổi:
Thật đáng kinh ngạc vì giữa thời đại công nghệ hối hả, mọi thứ điều diễn ra nhanh và rất nhanh. Thường theo quy luật sớm nở tối tàn., Lại có một tiệm bánh đã tồn tại qua hơn 1.000 năm tuổi tại đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản. Sống ngược lại với phần lớn thế giới theo nguyên tắc chậm rãi, không thay đổi, bất di bất dịch. Tiệm bánh mochi hơn ngàn năm này thật đáng làm người ta kính phục. Bài viết dưới đây do anh Tuan Lalarme, một người yêu điện ảnh đã tổng hợp và biên dịch lại. Xin mạng phép copy và chia sẽ lại đây.
“Kyoto, Nhật Bản – Gia đình của Naomi Hasegawa bán bánh mochi nướng trong một cửa hàng nhỏ làm bằng gỗ tuyết tùng cạnh một ngôi đền cổ ở Kyoto. Năm 1000, tiệm đi vào hoạt động, trở thành nơi nghỉ ngơi của du khách từ khắp Nhật Bản đến đền để cầu nguyện cho một trận dịch bệnh lớn qua đi.
Giờ đây, hơn một thiên niên kỉ sau, một đại dịch mới đã và đang tàn phá nền kinh tế cố đô, khi lượng khách du lịch quen thuộc của nó biến mất. Nhưng bà Hasegawa không để tâm nhiều lắm đến tình hình tài chính của tiệm.
Như nhiều cơ sở kinh doanh tại Nhật, Ichiwa, cửa hàng của gia đình bà, mang một tầm nhìn xa – dù nó xa hơn nhiều so với phần lớn các cửa hàng khác. Bằng cách đặt truyền thống và sự ổn định lên trước lợi nhuận và tăng trưởng, Ichiwa đã tồn tại qua những cuộc chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai, sự trỗi dậy và suy tàn của các đế chế. Sau tất cả, những chiếc bánh làm từ bột gạo của nó vẫn vẹn nguyên.
Những cơ sở kinh doanh này có thể kém năng động hơn những cở sở kinh doanh ở các nước khác. Nhưng khả năng phục hồi của chúng là bài học cho các doanh nghiệp ở những nơi như Hoa Kì, đất nước mà virus corona đã khiến hàng nghìn người phá sản.
Kenji Matsuoka, giáo sư danh dự của Đại học Ryukoku ở Kyoto cho biết: “Các sách kinh tế thường viết rằng doanh nghiệp phải tìm cách kiếm lời nhiều nhất, mở rộng quy mô, thị phần và tốc độ tăng trưởng. Nhưng nguyên tắc hoạt động của những cơ sở kinh doanh (như Ichiwa) này hoàn toán khác. Ưu tiên số một của họ là sự tiếp nối. Mỗi thế hệ (tiếp quản doanh nghiệp) như một người chơi trong cuộc chạy tiếp sức. Điều quan trọng là phải truyền được cây gậy (cho người tiếp theo).”
Nhật Bản là cường quốc của các cơ sở kinh doanh lâu đời. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Centennial có trụ sở tại Tokyo, đất nước này có hơn 33000 doanh nghiệp có lịch sử từ 100 năm trở lên – chiếm hơn 40% của thế giới. Hơn 3100 doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất hai thế kỉ. Khoảng 140 doanh nghiệp tồn tại trên 500 năm. Và ít nhất 19 doanh nghiệp duy trì hoạt động từ thiên niên kỉ đầu tiên cho đến nay.
(Một số cơ sở kinh doanh lâu đời nhất, kể cả Ichiwa, như tiệm bánh mochi hơn ngàn năm ở Nhật Bản này thực tể không thể xác định chính xác thời điểm thành lập, nhưng thời gian hoạt động của chúng được công nhận bởi chính quyền, các chuyên gia và trong trường hợp của Ichiwa là cửa hàng mochi cạnh tranh ở bên kia đường.)
Những cơ sở kinh doanh này, được biết đến với cái tên “shinise”, vừa là niềm tự hào, vừa là sự say mê của người Nhật. Chính quyền địa phương quảng cáo sản phẩm của chúng. Các sách quản lí doanh nghiệp lí giải bí mật thành công của chúng. Và tất cả hướng dẫn viên du lịch đều nói về chúng.
Hầu hết các doanh nghiệp lâu đời này, như Ichiwa, là cơ sở nhỏ, do gia đình quản lí, kinh doanh các mặt hàng và dịch vụ truyền thống. Nhưng vẫn có một số cực kì nổi tiếng, như Nitendo – công ty bắt đầu sản suất thẻ bài từ cách đây 130 năm, và hãng nước tương Kikkoman – ra đời từ năm 1917.
Bà Hasegawa (chủ của Ichiwa) chia sẻ, để tồn tại trong một thiên niên kỉ, doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Cần phải có một mục tiêu cao hơn. Với trường hợp của Ichiwa, mục tiêu đó là tiếng gọi tôn giáo: phục vụ những người hành hương đến ngôi đến.
Những giá trị cốt lõi đó – được gọi là “kakun” hay gia quy – đã định hướng cho các quyết định kinh doanh của những thế hệ tiếp quản doanh nghiệp. Họ quan tâm đến nhân viên, hỗ trợ cộng đồng và cố gắng tạo ra sản phẩm khơi gợi niềm tự hào.
Đối với Ichiwa, điều đó là: làm một việc và làm tốt nó – một cách kinh doanh rất Nhật Bản.
Cửa hàng đã từ chối nhiều cơ hội để mở rộng (quy mô hoạt động), như lần gần đây nhất, lời mời cộng tác từ Uber Eats về việc giao hàng trực tuyến. Mochi vẫn là món duy nhất trong thực đơn, và nếu muốn uống gì đó, bạn sẽ được phục vụ trà xanh rang.
Trong phần lớn lịch sử hoạt động của Ichiwa, phụ nữ nhà Hasegawa làm món bánh ngọt này theo cách gần như nhau. Họ luộc gạo trong nước lấy từ một mạch ngầm nhỏ được dẫn vào hầm của hàng, giã thành bột nhão, nặn thành những viên tròn, làm thành xiên và nướng chúng trên chiếc lò hibachi nhỏ làm bằng gang.
Phần vỏ carmamel bên ngoài được đánh một lớp sốt miso ngọt và bánh được phục vụ khi còn nóng, trước lúc nó nguội đi, trở nên cứng và dai.
Hiện Ichiwa đã có một vài thay đổi theo hướng hiện đại hoá. Sở Y tế địa phương đã cấm sử dụng nước ngầm. Một chiếc máy làm mochi đặt trong nhà bếp được sử dụng để cân gạo, giúp tiết kiệm thời gian làm việc mỗi buổi sáng. Và sau nhiều thế kỉ hoạt động dựa trên sự tín nhiệm đối với khách hàng, cửa hàng đã đặt giá cố định cho mỗi đĩa bánh, sự thay đổi này dường như diễn ra từ sau Thế Chiến II, khi mà cửa hàng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến tài chính.
Những công ty Nhật Bản tồn tại lâu đời nhất thường gắn liền với đặc điểm: không thích mạo hiểm – hình thành bởi những cuộc khủng hoảng trong quá khứ – và dự trữ một lượng lớn tiền mặt.
Đó là điểm chung của các doanh nghiệp Nhật Bản và là một phần lí do khiến nước này không có tỉ lệ phá sản cao như Hoa Kì trong thời đại dịch. Tomohiro Ota, nhà phân tích tại Goldman Sachs, tiết lộ rằng ngay cả khi những doanh nghiệp đó “đạt lợi nhuận nhiều, họ cũng sẽ không tăng chi phí vốn.”
Ông Ota cho biết thêm: đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trữ tiền nhiều để đảm bảo việc trả lương và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác trong trường hợp suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng. Nhưng ngay cả các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng có xu hướng giữ mức nợ thấp và trữ sẵn chi phí vận hành cho trung bình từ một đến hai tháng.
Khi họ cần giúp đỡ, nguồn tiền trợ cấp luôn và sẵn có và rẻ. Lãi suất ở Nhật Bản đã ở mức thấp trong vài thập kỉ, và gói kích thích của chính phủ được đưa ra để đối phó với đại dịch đã giúp các doanh nghiệp nhỏ khắc phục thiệt hại một cách hiệu quả.
Những “shinise” nhỏ thường sở hữu cơ sở riêng và dựa vào các thành viên trong gia đình để giảm chi phí trả lương, cho phép họ dự trữ tiền mặt. Khi Toshio Goto – giáo sư tại Trường Cao học Kinh tế thuộc Đại học Nhật Bản và là giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Centennial – thực hiện một cuộc khảo sát vào hè năm nay về các công ty có tuổi đời từ 100 trở lên, hơn một phần tư cho biết họ trữ đủ tiền để có thể hoạt động trong hai năm hoặc lâu hơn.
Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động được trong 200 năm, kể từ thế kỉ 17, khi Nhật Bản gần như đóng cửa với thế giới, điều này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định. Nhưng trong thế kỉ vừa qua, tồn tại của doanh nghiệp ngày càng đồng nghĩa với việc tìm được cân bằng giữa bảo tồn truyền thống và thích nghi với các yêu tố thị trường thay đổi nhanh chóng.
Một số doanh nghiệp đã phải đối mới hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. NBK, công ty vật liệu bắt đầu sản xuất ấm đun nước vào năm 1560, giờ đây đang cho ra đời các bộ phận máy móc công nghệ cao. Hosoo, một nhà may kimono 332 tuổi đời ở Kyoto, đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh dệt may sang nội thất gia đình và cả đồ điện tử.
Đối với những doanh nghiệp khác, việc theo kịp thời đại tương đối khó khăn, đặc biệt với các cơ sở đang ‘bán truyền thống’ như Tanaka Iga Butsugu.
Tanaka Iga Butsugu đã sản xuất hàng hóa phục vụ Phật Giáo ở Kyoto từ năm 885. Doanh nghiệp này nổi tiếng với sản phẩm được Masaichi Tanaka, chủ tịch thế hệ thứ 70, gọi đùa là Mercedes-Benz của butsudan – những bàn thờ đặt trong nhà với giá hàng trăm nghìn USD.
Ông Tanaka nói rằng, thời điểm đại dịch mặc dù khó khăn nhưng những thách thức lớn nhất mà công ty của ông và nhiều công ty khác phải đối mặt là xã hội già hóa của Nhật Bản và thị hiếu thay đổi.
Kinh tế không phải là yếu tố nuôi dưỡng để có thể tạo nên hình tượng tiệm bánh mochi hơn ngàn năm ở Nhật Bản như vậy. Nó có thể là điều kiện cần, nhưng chắc chắn không phải là điều kiện đủ. Yếu tố cốt lõi ở đây là sự nối tiếp truyền thống và nhu cầu nối tiếp.
Một số công ty đã đóng cửa do không thể tìm được người tiếp nối truyền thống. Doanh nghiệp của ông Tanaka ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm người thay thế những người thợ thủ công lành nghề. Công việc kinh doanh gặp bế tắc bởi ngày càng ít người đến những ngôi đền nơi ông cung cấp sản phẩm. Và những ngôi nhà kiểu mới thì hiếm khi được thiết kế nơi đặt butsudan, thứ thường chiếm vị trí đặc biệt trong một căn phòng kiểu Nhật Bản truyền thống với sàn trải chiếu tatami và cửa trượt bằng giấy.
Ông Tanaka cho biết, truyền thống tôn giáo có rất ít chỗ cho sự đổi mới. Nhiều thiết kế sản phẩm của công ty ông có tuổi đời gần bằng công ty. Ông đã cân nhắc việc kết hợp công nghệ in 3-D vào sản xuất, nhưng rồi lại băn khoăn không biết ai sẽ mua các mặt hàng được làm bằng máy in này.
Tiệm bánh Ichiwa may mắn khi không bị làm phiền bởi những lo lắng đó. Gia đình đông người, cơ sở kinh doanh nhỏ, và kĩ năng đặc biệt duy nhất cần thiết để nướng mochi là khả năng chịu được nhiệt độ cao gây phồng rộp da.
![Tiệm bánh mochi hơn ngàn năm ở Nhật Bản; cách nó tồn tại 1020 tuổi](https://daihientho.com/wp-content/uploads/2020/12/e7bb8fe58e86e68898e4ba89e38081e7989fe796abe5928ce78e8be69c9de58f98e8bf81efbc9ae697a5e69cace58d83e5b9b4e88081e993bae79a84e68890e58a9f-4-400x267.jpg)
Nhưng bà Hasegawa, 60 tuổi, thừa nhận rằng đôi khi bà cảm thấy áp lực vị lịch sử của tiệm. Mặc dù công việc kinh doanh không mang lại nhiều thu nhập, mọi người trong gia đình ngay từ lúc nhỏ “đã được dặn rằng miễn là còn sống, thì phải tiếp tục (kinh doanh).”
Bà bổ sung thêm, một lí do nữa “để chúng tôi tiếp tục,” đó là “vì chúng tôi ai cũng ghét việc mình là người làm mất đi truyền thống.”
Nguồn bài và ảnh: The New York Times
Dịch và biên tập: Tuan Lalarme”
Không đâu trên thế giới này có thể tồn tại Tiệm bánh mochi hơn ngàn năm như vậy. Đó là minh chứng rõ nét và đặc sắc cho những giá trị văn hóa nổi bậc của phương đông so với phần còn lại của thế giới. Mặt khác thể hiện rằng, đôi khi những thứ đơn giản bình thường lại có thể trường tồn qua thời gian.
Xem thêm bài viết:
(1)Nhầm lẫn giữa hoa Sala với hoa Đầu Lân (Hàm Rồng/Ngọc Kỳ Lân/Canon Ball)
(2)Nhân kiệt địa linh, phong thủy tốt nhất đời người chính là cái tâm của chính mình